Cảm lạnh là bệnh do các chủng virus gây ra khi trời mưa lạnh hay thời tiết thay đổi đột ngột. Tuy là bệnh lý thông thường nhưng căn bệnh này gây ra một số triệu chứng khó chịu, làm giảm khả năng sinh hoạt và học tập của trẻ, đặc biệt khi không được chăm sóc tốt, trẻ còn có thể gặp những biến chứng như cúm, viêm phổi,... Vậy khi trẻ bị cảm lạnh cần làm gì?
Trẻ bị sổ mũi do cảm lạnh
Triệu chứng dễ bắt gặp nhất khi trẻ bị cảm lạnh là nghẹt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi. Thời gian đầu, dịch mũi của trẻ có thể có màu trong và loãng nhưng sau đó sẽ chuyển sang màu đục hoặc xanh nếu không được vệ sinh sạch sẽ.
Khi bị cảm lạnh, bé có thể bị viêm nhiễm ở phần cổ họng gây ra đau rát cổ, ho khan.
Cảm lạnh sẽ làm trẻ mệt mỏi, khó chịu, gặp khó khăn trong việc ăn uống, vận động. Những triệu chứng làm thay đổi vị giác khiến trẻ có xu hướng chán ăn, bỏ ăn.
Ngoài ra, trẻ có thể gặp các dấu hiệu bệnh như nôn trớ, tiêu chảy vì bé nuốt nước mũi và nước bọt vào dạ dày,…
Trẻ cảm thấy khó chịu và chán ăn
Trẻ nhỏ bị cảm lạnh có thể do tiếp xúc trực tiếp với người đã bị nhiễm hay bị lây khi ở gần những người mang bệnh. Trẻ cũng có thể bị nhiễm bệnh khi chạm tay lên bề mặt bị nhiễm virus rồi đưa tay lên mũi, miệng mà không rửa tay khiến virus xâm nhập vào bên trong. Thời tiết lạnh làm trẻ nhiễm lạnh do không khí thường khô và trẻ ở ngoài trời lâu, nhiều gió rất dễ bị cảm lạnh.
Mẹ nên cho trẻ ăn uống nhiều chất lỏng, thức ăn nhạt, dễ tiêu hoá và các thực phẩm giàu protein như trứng gà, các chế phẩm từ đậu. Ngoài ra, trẻ bị cảm lạnh cần ăn nhiều rau xanh và hoa quả để bổ sung các vitamin cần thiết cho cơ thể. Mẹ có thể nấu súp gà cho trẻ vì trong súp chứa một lượng axit amino cysteine, có tác động làm chậm sự chuyển động của các bạch cầu, giúp làm giảm các triệu chứng cảm lạnh.
Bố mẹ cũng nên cho trẻ uống nhiều nước ấm để giúp trẻ bù lại phần nước bị mất khi bị sốt hay sổ mũi. Nước ấm kết hợp một vài lát gừng pha mật ong sẽ giúp tan đờm, giảm ho và dịu đi những cơn đau họng một cách hiệu quả.
Nước muối sinh lý có độ an toàn cao, có thể sử dụng cho trẻ để giúp làm sạch mũi bằng cách nhỏ mũi hoặc rửa mũi với nước muối, giúp làm sạch chất nhầy và giảm nghẹt mũi, do đó giúp trẻ dễ thở hơn. Ngoài ra, sử dụng nước muối sinh lý để súc miệng còn giúp bảo vệ niêm mạc họng và sát khuẩn.
Rửa mũi cho trẻ để làm giảm nghẹt mũi
Sử dụng các tinh dầu tự nhiên như tràm, bạc hà,… có tác dụng rất tốt trong việc phòng và điều trị khi trẻ bị cảm lạnh. Bố mẹ có thể thoa một ít tinh dầu vào lưng, thái dương và lòng bàn chân để giữ ấm. Tinh dầu hòa với nước ấm để tắm cho trẻ cũng là một cách phòng ngừa và giảm bớt các triệu chứng khó chịu của cảm lạnh.
Khi trẻ bị cảm lạnh, bố mẹ nên hạn chế cho trẻ ra ngoài, mặc quần áo ấm, đi tất cho trẻ. Đặc biệt, trẻ cần được nghỉ ngơi nhiều, nên tạm thời dừng việc học tập hay các hoạt động bên ngoài để vừa giúp bệnh nhanh khỏi và tránh nguy cơ truyền bệnh cho các bạn cùng lớp.
Đưa trẻ đi thăm khám kịp thời
Bố mẹ nên theo dõi, không tự ý dùng thuốc và nên đưa trẻ đến các bệnh viện Nhi để thăm khám kịp thời nếu thấy các triệu chứng bệnh vẫn không thuyên giảm mà ngày càng trầm trọng hơn. Lúc này trẻ có thể bị cảm cúm, viêm phế quản hay nhiễm trùng do virus với một số biểu hiện như sốt cao hơn, nôn mửa, ớn lạnh và run rẩy, thở nhanh hay bất kỳ biểu hiện nào của suy hô hấp.
Trên đây là những giúp phụ huynh giải đáp được thắc mắc “Khi trẻ bị cảm lạnh cần làm gì?” mà Baby Food muốn chia sẻ. Hy vọng những thông tin trên sẽ hữu ích cho phụ huynh trong việc bảo vệ sức khỏe của trẻ!